Hướng phát triển trong tương lai trở thành thành phố năng động, sầm uất, hiện đại, hệ thống cơ sở hạ tầng của TP HCM ngày càng hoàn thiện. Trong đó, 3 dự án xây dựng cầu quy mô lớn đang được thị trường bất động sản mong chờ nhất hiện nay đáng được kể đến là: Cầu Thủ Thiêm 2, cầu Cát Lái nối Quận 2 kết nối với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) và cầu Mỹ Thuỷ 3.
Dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 đang đạt tiến độ khá tốt, được là biểu tượng cổng chào từ trung tâm thành phố qua khu đô thị mới Thủ Thiêm. Cầu được thiết kế là cầu dây văng với trụ tháp chính cao 113m có hình dáng kiến trúc cầu Rồng, có tổng chiều dài gần 1.500 m trong đó phần cầu dài 900m. Theo thiết kế, cầu Thủ Thiêm 2 có 6 làn xe, mặt cầu chính rộng 27,8m. Công trình được đầu tư theo hình thức BT (đầu tư – chuyển giao), dự kiến xây dựng trong 30 tháng.
Tính đến thời điểm hiện tại, việc thi công 20/56 sợi cáp dây văng đã hoàn thành, các đơn vị đang dồn toàn lực để tổ chức thi công, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành dự án, hợp long cầu chính vào tháng 9 và thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2020.
Cùng với cầu Thủ Thiêm 2, nút giao thông 3 tầng Mỹ Thủy (quận 2) cũng đã được đầu tư và thông xe giai đoạn 1 nhằm tạo thuận lợi cho xe lưu thông vào các khu dân cư, cảng biển Cát Lái. Không chỉ giải quyết tình trạng kẹt xe thường xuyên trên các trục đường ra vào cảng Tân Cảng – Cát Lái, công trình kỳ vọng sẽ xóa bỏ dứt điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn, giúp việc giao thương hàng hóa giữa khu vực TP HCM với các vùng lân cận thuận lợi, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nút giao Mỹ Thủy hiện mới hoàn thành giai đoạn 1
Tiếp theo là dự án xây dựng cầu Mỹ Thủy 3 vị trí nằm giữa cầu Mỹ Thủy 1 và cầu Mỹ Thủy 2, công trình có chiều dài 124m cho 6 làn xe sẽ được triển khai trong quý 3/2020. Theo đó, sẽ xây cầu vượt rẽ trái từ cảng Cát Lái đi cầu Phú Mỹ dài 725m cho 2 làn xe lưu thông và xây dựng cầu Kỳ Hà 4 trên nhánh rẽ phải từ cầu Phú Mỹ về cảng Cát Lái dài 75m cho 4 làn xe lưu thông.
Cách hầm chui Mỹ Thuỷ khoảng 3km, dự án xây dựng cầu Cát Lái với vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng cũng chuẩn bị được khởi công xây dựng. Được biết, Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý giao UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện dự án cầu Cát Lái nối Đồng Nai và TP HCM. Cầu Cát Lái có tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 4,5km; cầu chính kết cấu dây văng 2 trụ tháp, quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp, mặt cắt ngang 60m, độ thông thuyền H=55m, B=250m, vận tốc thiết kế 80 km/giờ.
Theo ý kiến thống nhất giữa Sở kế hoạch và Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai tại cuộc họp ngày 15/5, dự án đầu tư được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT). Được biết, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã đưa ra 2 phương án vị trí để tiến hành làm việc với các cơ quan chức năng TP HCM về việc xây dựng cầu Cát Lái. Trong cả 2 phương án vị trí này, cầu Cát Lái sẽ được xây dựng với 2 quy mô mặt cắt ngang cầu gồm 6 làn xe (tương ứng rộng 27m) và 8 làn xe (tương ứng rộng 35m).
Cụ thể, phương án vị trí 1 (theo hồ sơ trình bổ sung quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận vào tháng 5/2017), hướng tuyến của cầu Cát Lái có điểm đầu nối với dự án nút giao Mỹ Thủy rồi đi dọc đường Nguyễn Thị Định trên địa bàn quận 2, TP HCM, sau đó sẽ vượt sông Đồng Nai kết nối đường đi cảng Cát Lái.
Đối với phương án 2, vị trí cầu Cát Lái có điểm đầu kết nối với đường vành đai 2 (cách cổng Trạm thu phí Phú Mỹ khoảng 450m, cách nút giao Mỹ Thủy hơn 1km), rồi đi theo đường nội bộ, cắt qua rạch Kỳ Hà trên địa bàn quận 2, TP HCM sau đó vượt sông Đồng Nai kết nối đường đi cảng Cát Lái.
Theo phân tích các chuyên gia bất động sản, 3 cây cầu này khi hoàn thành sẽ tạo sự gắn kết về kinh tế, lưu thông hàng hóa giữa TP HCM với các tỉnh, thành phía Đông trở nên vô cùng thuận lợi. Kết hợp với sân bay quốc tế Long Thành, cảng Cát Lái, cảng Cái Mép – Thị Vải… sẽ giúp cho khu vực kinh tế sôi động nhất cả nước như “hổ mọc thêm cánh. Không chỉ năm 2020, mà trong nhiều năm tới, khu Đông sẽ trở thành khu vực dẫn dắt thị trường. Đây là khu vực được đánh giá là hướng mở nhất trong chiến lược phát triển đô thị của TP HCM. Báo cáo tiêu điểm quý 2/2020 của CBRE Việt Nam cũng nhấn mạnh thời gian gần đây, bất động sản khu vực phía Đông của TP HCM luôn nằm trong tầm ngắm của giới đầu tư và giá không ngừng tăng.
Khảo sát thực tế, mặt bằng giá trung bình trong quý sau tăng cao so với quý trước, nhiều dự án còn ghi nhận mức tăng 5 – 7%. Vào cuối năm 2019, giá đất khu Đông đã tăng 150 – 200% so với năm 2017. Song song đó, ngay sau khi có thông tin TP HCM và Đồng Nai đã thống nhất phương án xây dựng cầu Cát Lái nối quận 2 với huyện Nhơn Trạch, nhiều dự án nhà ở cũng lập tức thiết lập một mặt bằng giá mới.