Tỉnh Gia Lai đang phối hợp với hai tỉnh Kon Tum và Bình Định đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho triển khai xây dựng dự án cao tốc Quy Nhơn – Pleiku.
Cụ thể, nhằm giảm tải cho Quốc lộ 19 và tạo động lực phát triển kinh tế, liên kết vùng, trên cơ sở Tờ trình chung của các tỉnh Gia Lai, Bình Định, Kon Tum đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho xây dựng tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku. UBND tỉnh Gia Lai đã giao nhiệm vụ cho Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành liên quan của hai tỉnh Kon Tum, Bình Định chuẩn bị hoàn chỉnh hồ sơ dự án cao tốc này.
Theo quy hoạch theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 1/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tuyến đường dự án cao tốc Quy Nhơn – Pleiku dài khoảng 160 km. Theo dự kiến, tuyến đường có điểm đầu giao nối với quốc lộ 1 (tại huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định); tại khoảng Km 10 giao với tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định); điểm cuối giao với tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây (TP. Pleiku).
Cao tốc Quy Nhơn – Pleiku có quy mô 4 làn xe, đi song song với quốc lộ 19 hiện hữu với kinh phí đầu tư dự kiến là 56.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, vốn vay ODA, thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế với nhiều hình thức. Tại Tờ trình các tỉnh cũng nêu rõ, quy trình xây dựng cao tốc Quy Nhơn – Pleiku theo hướng phân kỳ đầu tư phù hợp với nguồn vốn đầu tư và đảm bảo tính hiệu quả của dự án.
Dự án phân kỳ thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (2021-2025) sẽ đầu tư quy mô 2 làn xe với chiều rộng nền đường 17,25 m; hệ thống công trình hoàn chỉnh (gồm: cầu, cống và công trình hầm qua 2 đèo An Khê và Mang Yang). Tổng kinh phí đầu tư dự kiến 40.000 tỷ đồng (có xét đến dự trữ mặt bằng cho giai đoạn đầu tư hoàn chỉnh theo quy mô quy hoạch là 4 làn xe). Giai đoạn 2 (2026-2030) sẽ tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh toàn tuyến đường theo quy hoạch với quy mô 4 làn xe.
Phó Giám đốc Phụ trách Sở Giao thông – Vận tải Gia Lai cho biết, nếu được chấp thuận đầu tư tuyến cao tốc này thì sau khi hoàn thành sẽ góp phần giảm tải rất lớn cho quốc lộ 19. Bởi quốc lộ 19 hiện tại đã được đầu tư nâng cấp một phần nhưng còn nhỏ hẹp, nhiều đèo dốc, nhiều đoạn đã bị xuống cấp do quá tải… Điều này không những ảnh hưởng đến việc giao thương, vận chuyển hành khách, hàng hóa giữa các tỉnh Duyên hải miền Trung với Tây Nguyên mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.