Năm 2020, khi dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản bước vào cuộc đua săn quỹ đất của dự án “chết lâm sàng”. Dù cơ hội rộng mở, cuộc đua săn quỹ đất không phải là thảm đỏ trải hoa hồng, đằng sau đó có rất nhiều thách thức và đây chỉ là sân chơi của những doanh nghiệp có dòng tiền mạnh.
Giăng lưới bắt cá to
Từ giữa năm 2019, thị trường bất động sản đã bộc lộ những khó khăn. Sang năm 2020, khi Covid-19 hoành hành, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh “khó chồng khó”. Không ít doanh nghiệp không thể xoay xở thực hiện dự án, song ở chiều ngược lại, đây cũng là thời điểm mà hàng loạt doanh nghiệp địa ốc lớn bước vào cuộc đua săn quỹ đất của dự án “chết lâm sàng”. Sau thông tin về việc Tập đoàn Danh Khôi công bố M&A thành công 3 dự án ở TP Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa, mới đây doanh nghiệp này đã tiếp tục mua thành công thêm 3 dự án có quy mô lớn ở TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Cụ thể, tại TP Quy Nhơn, Danh Khôi đã mua lại khu căn hộ cao tầng ven biển với tổng diện tích gần 85.000 m2, bao gồm 17 block căn hộ sở hữu vĩnh viễn. Dù giá trị thương vụ không được tiết lộ, song đại diện Danh Khôi cho biết, tổng vốn đầu tư của dự án ước khoảng 25.000 tỷ đồng. Thương vụ thứ hai, doanh nghiệp này đã mua đứt Dự án Aria Vũng Tàu tại TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) từ Công ty cổ phần Du lịch và Đầu tư xây dựng Châu Á. Dự án có tổng mức đầu tư lên đến 3.000 tỷ đồng, quy mô 76.900 m2, bao gồm 4 block căn hộ du lịch cao 18 đến 30 tầng, gồm 1.190 căn hộ và 36 căn biệt thự biển.
Cách đó không xa là khu cao tầng thuộc Dự án Barya Citi, Tập đoàn Danh Khôi cũng vừa mua lại từ Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Phú Thịnh. Dự án có tổng diện tích 7.788 m2, được quy hoạch bao gồm 2 block, cao 20 tầng với 787 căn hộ. Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 1.056 tỷ đồng. Một đại gia địa ốc khác là Tập đoàn Hưng Thịnh mới đây cũng M&A thành công khu đất có diện tích hơn 1.000 ha tại tỉnh Lâm Đồng.
Trước đó, doanh nghiệp này cũng đã chi hàng ngàn tỷ đồng mua lại nhiều dự án tại Bình Định, trong đó có dự án khu đô thị biển quy mô lên đến hơn 1.000 ha. Trong khi đó, dù đang nắm tổng quỹ đất 681 ha khắp các tỉnh, thành phố, Công ty Nam Long vẫn dành 2.000 tỷ đồng để săn thêm đất. Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Nam Long cho biết, hiện doanh nghiệp tập trung mọi nguồn lực để mở rộng quỹ đất, tận dụng thời điểm và cơ hội để cân nhắc mua thêm đất sau Covid-19.
Cửa vẫn rộng
“Năm ngoái, việc mua đất để phát triển dự án bất động sản vô cùng khó, do người có đất hét giá rất cao. Nhưng thời gian gần đây, đã có nhiều người đặt vấn đề bán dự án với giá thấp hơn. Hiện tượng này sẽ phổ biến hơn trong thời gian tới”, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty Phú Đông Group nói và cho rằng, chính trong bối cảnh khó khăn này lại hình thành những cơ hội mới cho thị trường.
Ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Danh Khôi cho hay, M&A là con đường ngắn nhất để các chủ doanh nghiệp đẩy nhanh việc phát triển quỹ đất sạch và thực hiện dự án. Việc M&A các dự án không chỉ giúp doanh nghiệp rút ngắn về thủ tục, mà còn mang lại sự “win – win” cho các bên, cũng như cho thị trường bất động sản.
Cũng phải nhìn nhận lại, mặc dù cơ hội rộng mở, song cuộc đua săn quỹ đất không phải là thảm đỏ trải hoa hồng, đằng sau đó còn rất nhiều thách thức và đây chỉ là sân chơi của những doanh nghiệp có dòng tiền mạnh. Điều này đòi hỏi kế hoạch phát triển quỹ đất phải song hành với quy hoạch tổng thể và kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông đô thị với định hướng phát triển cân bằng, bền vững nhằm tránh gây lãng phí nguồn lực đầu tư.
“Bất động sản là lĩnh vực đầu tư dài hạn, nhanh cũng phải 3 – 5 năm, dài thì tới 10 năm. Chính vì vậy, trong chiến lược phát triển của mình, các doanh nghiệp phải dành ra dòng tiền lớn, chuẩn bị quỹ đất để chủ động kế hoạch triển khai. Doanh nghiệp nào có quỹ đất tốt sẽ có lợi thế cạnh tranh về sau”, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land nói.
Bà Hương cũng chỉ ra mặt trái của cuộc đua săn quỹ đất. Đó là dòng tiền khủng bị “chôn”, doanh nghiệp phải chấp nhận tình trạng bỏ tiền vào những tài sản cực lớn, trong khi chưa xác định được bao lâu có thể hiện thực hóa lợi nhuận. Nếu càng để lâu, chi phí đầu vào sẽ càng gia tăng, trong đó chiếm tỷ trọng cao là gánh nặng lãi vay.
“Quỹ đất lớn là một lợi thế vượt trội so với các đối thủ, nhưng nếu không khai thác để ra thành phẩm bán hàng, lợi thế này sẽ biến thành gánh nặng tồn kho, chôn vốn. Đây là rủi ro tiềm ẩn rất lớn cho doanh nghiệp”, bà Hương nhấn mạnh.